Ngành hàng cá tra Việt Nam đã gặt hái những thành công đáng tự hào, khẳng định vị thế số 1 thế giới của mình trong nhiều năm, nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm. Sau thắng lợi kép năm 2018, cá tra lại trở về với trạng thái loay hoay.
Theo Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục về đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam (Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/1/2019), cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng là một trong ba đối tượng thuộc danh mục này và phải hội đủ các tiêu chí như: Thuộc vào danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; tạo nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất và hiệu quả sản xuất cao; có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, giá trị xuất khẩu tối thiểu đạt 100 triệu USD/năm…
Sản lượng nuôi cá tra tập trung hầu hết ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cá tra là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu “thống trị” thế giới nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2018, năm đỉnh cao thành công đối với ngành hàng này với những kỷ lục về sản lượng nuôi (đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng trên 20% so với năm 2017) và kim ngạch xuất khẩu (đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước). Về giá cá tra nguyên liệu, từ cuối năm 2017 đến cả năm 2018 và sang đầu năm 2019, giá luôn ở trên mức 25.000 đồng/kg, có lúc đạt 36.000 đồng/kg, lãi trên dưới 10.000 đồng/kg. Người nuôi cá phấn khởi, doanh nghiệp lợi nhuận cao, ngành hàng cá tra có một năm thắng lợi kép khi trúng mùa lại được giá.
Với lợi thế về sản lượng nuôi nhiều nhất thế giới, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã giữ vị thế “độc tôn” trong nhiều năm trước đây, nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm, các rào cản thuế quan và phi thuế quan đặt ra không ít thách thức cho ngành cá tra Việt Nam. Trong khi đó, những năm gần đây, các nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh cũng đã nuôi cá tra với sản lượng lên đến hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Hay Trung Quốc là thị trường tiêu thụ số 1 của cá tra Việt Nam thì hiện nay họ cũng đã nuôi được cá này với sản lượng hàng chục ngàn tấn.
Còn với thị trường Mỹ, rào cản thương mại và kỹ thuật, giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến giá xuất khẩu khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm so với trước đây.
Bức tranh về xuất khẩu cá tra năm 2020 phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và sự phục hồi của thị trường Mỹ cho thấy tính bấp bênh của các dự báo. Với thị phần trên 30% của Trung Quốc, có thể nói mức độ rủi ro là cực kỳ cao. Nguồn cung cần phải được kiểm soát tốt cho đến khi các thông tin rõ ràng hơn từ thuế chống bán phá giá của Mỹ cũng như thông tin từ thị trường Trung Quốc. Những thách thức mà Doanh nghiệp cá tra nói chung và công ty TNHH Ngư nghiệp Hùng Hậu thuộc khối Nông nghiệp HungHau Holdings nói riêng cần giữ vững phong độ, cập nhật thông tin tình hình thị trường trong nước lẫn quốc tế để đưa cá tra Việt Nam quay lại vị thế “độc tôn”.
Với lợi thế kinh nghiệm trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, cùng những thành quả đạt được, những giá trị tích cực thông qua việc nỗ lực đổi mới công nghệ, tích lũy bí quyết, nâng cao trình độ quản lý, năng lực cán bộ và tay nghề công nhân. Công ty TNHH Ngư nghiệp Hùng Hậu tự tin những sản phẩm của mình vẫn sẽ giữ được vị thế, vinh dự đồng hành và cùng phát triển xuất khẩu ngành hàng cá tra, đưa sản phẩm chất lượng tuyệt hảo đến với quý khách hàng toàn cầu.